- Đại cương
Định nghĩa: Xuất tinh ra máu là tình trạng có máu lẫn trong tinh dịch khi xuất tinh.
- Nguyên nhân
2.1. Viêm và nhiễm khuẩn:
Viêm là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất. Quá trình viêm gây kích thích niêm mạc dẫn đến hiện tượng sung huyết và phù nề của các ống, các tuyến của đường dẫn tinh, túi tinh, tuyến tiền liệt, ụ núi và niệu đạo. Từ đó gây xuất tinh ra máu.
Các nguyên nhân gây viêm là do nhiễm khuẩn, chấn thương và sỏi túi tinh hay canxi hoá tuyến tiền liệt. Nhiễm khuẩn thường gặp như: Entecrobacteria (chủ yếu là Escherichia coli), chlamydia, gram dương, trực khuẩn lao và một số loại virut.
Cần lưu ý: Lao là nguyên nhân chủ yếu ở Việt Nam. Các chấn thương gây viêm hay gặp trong các trường hợp quan hệ tình dục quá nhiều hay kiêng quan hệ tình dục quá lâu.
2.2. Tắc túi tinh và các nang túi tinh
Các nguyên nhân này gây căng và dãn túi tinh lây ngày làm đứt vỡ các mạch máu dưới niêm mạc.
2.3. Ung thư
Các loại ung thư thường gặp phải kể đến là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường dẫn tinh, ung thư tinh hoàn, u lympho.
2.4. Các bệnh toàn thân
Các bệnh toàn thân thường gặp là rối loạn đông máu, hémophilie, xơ gan, tăng huyết áp.
2.5. Nhóm do các thủ thuận
Sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng, đặt dụng cụ niệu đạo, chạy tia xạ trong ung thư tuyến tiền liệt, sau thắt ống dẫn tinh, sau cắt tinh hoàn…
2.6. Dãn tĩnh mạch niệu đạo
Trường hợp này, tinh dịch thường không có lẫn máu mà chỉ đái máu một bãi sau khi cương dương vật.
- Chẩn đoán
3.1. Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng: Tinh dịch có màu đỏ hoặc màu nâu hoặc màu rỉ sắt
- Xét nghiệm tinh dịch đồ: Có nhiều hồng cầu trong tinh dịch
3.2. Chẩn đoán nguyên nhân
3.2.1. Các xét nghiệm nước tiểu
Phân tích nước tiểu, nuôi cấy vi khuẩn nước tiểu và làm kháng sinh đồ, tìm tế bào ác tính trong nước tiểu.
3.2.2. Các xét nghiệm tinh dịch
Làm tinh dịch đồ để tìm hồng cầu và bạch cầu, nuôi cấy vi khuẩn tinh dịch và làm kháng sinh đồ, tìm tế bào ác tính trong tinh dịch.
3.2.3. Các xét nghiệm máu
Công thức bạch cầu, tốc độ máu lắng, các xét nghiệm đánh giá chức năng đông máu, kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) đối với người trên 45 tuổi.
3.2.4. Các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân lao đường tiết niệu
Ngoài các xét nghiệm; công thức bạch cầu, tốc độ máu lắng, để tìm nguyên nhân lao cần làm thêm các xét nghiệm sau: Mantoux, tìm kháng thể kháng lao, phản ứng PCR với trực khuẩn lao (bệnh phẩm là tinh dịch).
3.2.5. Siêu âm ổ bụng
Đánh giá tình trạng của gan, thận, bàng quang và tuyến tiền liệt…
3.2.6. Siêu âm qua trực tràng
Là một phương tiện chẩn đoán hữu hiệu để chẩn đoán các bệnh lý khu vực túi tinh và tiền liệt tuyến như: Canxi hoá tiền liệt tuyến, sỏi túi tinh, giãn túi tinh, nang túi tinh hoặc ống phóng tinh.
3.2.7. Soi niệu đạo và bàng quang
Soi bàng quang, niệu đạo có thể phát hiện ra các tổn thương ở niệu đạo, tuyến tiền liệt. Thông hường soi niệu đạo, bàng quang khi dương vật cương thì sẽ xác định được giãn mao mạch và tĩnh mạch của niệu đạo cũng như là của tuyến tiền liệt, các u máu niệu đạo một cách dễ dàng.
3.2.8. Chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung
Cộng hưởng từ là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh có giá trị nhất trong thăm dò túi tinh và tuyến tiền liệt, được chỉ định trong các trường hợp có nghi ngờ bệnh lý trên siêu âm qua trực tràng.
3.2.9. Nội soi túi tinh
Được chỉ định trong trường hợp xuất tinh ra máu kéo dài trên 3 tháng mà không tìm thấy nguyên nhân nào. Hoặc xuất tinh ra máu kéo dài mà có phát hiện thấy bất thường túi tinh qua siêu âm hay qua chụp cộng hưởng từ.
- Lời khuyên: Nên gặp các thầy thuốc chuyên khoa để khám và điều trị. Việt Nam có kinh nghiệm điều trị bệnh này.